Xem tất cả cảm nhận loidich11359

3 cảm nhận của thành viên

...
metal_man88 20-06-2011
bác ấy search trên mạng đó...
...
dreamer1300 09-01-2010
bác LinkDevil cảm thụ âm nhạc thật sâu sắc, cảm ơn bác về bài viết. Em cũng mới nghe Dream Theater chư cảm thụ đc nhiều.
...
LinkDevil 27-06-2009
Năm 1992, Dream Theater phàt hành album đỉnh cao Images And Words và cho đến nay vẫn là album thành công nhất của nhóm.
Dòng nhạc nghiêng về Progressive và Instrumental nhưng Dream Theater có lợi thế hơn hẳn các ban nhạc khác, thậm chí xin nói có lẽ là hơn cả người khổng lồ Queen, là có được tay ca sĩ giọng nam cao xuất sắc. Nhạc của Dream Theater nhiều người nghe bảo rằng chả hiểu gì cả. Quả thật, nếu lần đầu nghe và thưởng thức những bài như Take The Time hay Learning To Live thì người nghe cảm thấy lung tung, lùng bùng chẳng tiết tấu gì cả. Trong album này, có lẽ bí ẩn nhất vẫn là bài Metropolis - Part I "The Miracle and the Sleeper" dài gần 10 phút. Nếu nghe bình thường, mở cho có nhạc nghe chơi, thì nhiều người sẽ không bao giờ có hứng thú tìm nghe lại. Nhưng nếu bạn tập trung vào giai điệu, tiết tấu, cảm nhận từng thay đổi, biến chuyển của từng nhạc cụ và tìm hiểu ca từ bài nhạc thì quả thật mình dám khẳng định rằng đây là một thế giới đầy màu sắc, một bức tranh không vẽ bằng cọ và màu mà bằng âm thanh, bằng giai điệu mà vẫn toát lên đầy đủ vẻ quyến rũ của chính nó. Đoạn cuối bài nhạc, sau phần hòa âm phối khí cao trào dài hơi, Dream Theater mở ra điều bí ẩn cuối cùng, vũ điệu thứ ba: Love, theo sau hai vũ điệu Death và Deceit. Vì đây không phải là bài bình luận về bản Metropolis - Part I nên mình chỉ giới thiệu đến đó. Mục đích chính là bài hát vẫn chưa thật sự kết thúc sau vũ điệu vĩnh hằng của tình yêu (Love is the Dance of Eternity). Người nghe, người hâm mộ ban nhạc vẫn còn rất nóng lòng chờ đợi Part II của bài nhạc ra mắt. Đó là năm 1992, những năm sau đó, các album tiếp theo lần lượt phát hành nhưng chẳng thấy chút bóng hình Metropolis đâu cả. Cho đến năm 1999... Dream Theater tuyên bố sẽ phát hành album Metropolis, nối tiếp ca khúc đã đi vào lòng mọi fan hâm mộ. Metropolis này, vẫn là nối tiếp của bản trước, nhưng chủ yếu là chia thành 2 phần chính (2 Acts). Tựa đề Metropolis 2000 "Scenes From A Memory" cũng là một cụm ca từ trong phần một. Thành công hiển nhiên đến với album này. Và theo sau đó là một single đã đứng hạng nhất trong nhiều bảng xếp hạng, là chủ đề cùa bài viết này.

Bài nhạc mở đầu bằng một đoạn hồi nhớ với hình ảnh một người phụ nữ hiện ra trong đầu người nghe. Ngay từ ban đầu, bài hát như đã hiến dâng toàn bộ cho cái đẹp, tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ. Dream Theater đã tạo ngay một chút lãng mạn, trữ tình khi bài nhạc có cách mở đầu phải nói là lần đầu gặp trong nhạc của họ. Không bằng ca từ mà chỉ bằng âm giọng tha thiết, bằng một âm nền nhẹ nhàng, bằng một chút guitar reo rắt. Tất cả như là phần khai vị cho một bữa ăn thịnh soạn. Tiếp nối bằng một đoạn kết hợp giữa trống và piano rất thường thấy trong nhạc của Dream Theater. Bắt đầu từ đây, tiếng bass của John Myung cất lên chậm và buồn, hòa vào không khí chung của bài nhạc. James bắt đầu bài ca bằng việc trực tiếp nói về "cô ấy", về số phận của cô ấy. Hình ảnh đêm trăng mang chất buồn vì là đêm trăng định mệnh through_her_eyes_by_kimpatsu.jpg (fateful moonlit night). Trong khổ này hai hình ảnh đẹp hiện lên cùng lúc: trăng và người phụ nữ. James đau đớn khi phải nói rằng cô ấy đã ra đi, ra đi trong ánh trăng đó, ra đi nhẹ nhàng (Sacrificed without a fight, A victim of her circumstance). Hình ảnh người đàn ông trong bài ca xuất hiện tiếp theo và là những lời nói tận đáy lòng, những lời nói đau thương nhất về điều bất hạnh nhất mà con người phải chịu đựng. 'Bây giờ anh bắt đầu nhận ra, và thế là anh nhìn thẳng vào nỗi buồn đó, nỗi buồn lan chiếm trong anh. Tại sao tất cả lại bất công với anh thế? Và anh nhìn lại cả cuộc đời mình, khi anh nhìn vào đôi mắt em.'

Không cần nói gì nhiều về ca từ bởi vì nó là quá tuyệt rồi. Trình độ viết nhạc của John Petrucci đã được khẳng định trong nhiều bài hát trước. Nhưng một lần nữa, người nghe phải kinh ngạc khi theo dõi ca từ của Through Her Eyes. Không chỉ đầy ý nghĩa, hình ảnh mà còn tuân thủ vần điệu như thơ của chúng ta vậy. Trong khổ 1 và 3, các tiếng cuối của các cặp câu 1-4, 2-3 của từng khổ vần với nhau khó tin! (chance-circumstance, night-fight,...). Và giọng ca của James khi vào đến đoạn điệp khúc ngắn ngủi thật xiết bao đau đớn, một chút run động, làm chúng ta như thổn thức cùng anh, cùng người phụ nữ ấy. Đoạn tiếp theo lại một lần nữa chứng minh cho tài nghệ của toàn nhóm. 'Chỉ sau cánh cửa nghĩa trang kia thôi, nơi cỏ mọc che kín tất cả. Anh nhìn từng dòng chữ viết trên bia mộ em. Tim anh thắt lại đến nỗi có thể làm anh gục ngã. (Just beyond the churchyard gates, where the grass is overgrown, I saw the writing on her stone, I felt like I would suffocate) Những ký ức của anh và em về con chúng ta, cặp mắt nó to tròn sao thơ ngây thế. Anh đã khóc và cảm thấy lẻ loi làm sao... Anh biết rằng một phần của anh đã ra đi mãi mãi.' Có thể nói đây là đoạn hay nhất của toàn bài. Đau đớn, tha thiết, não nề, tuyệt vọng, những giọt nước mắt của người đàn ông, cái nhìn ngây thơ của đứa trẻ trong đám tang mẹ nó. Tất cả dường như vượt ngoài phạm vi mà bình thường những từ ngữ đó có thể diễn tả. 'Và khi hình ảnh cô ấy bước vào đầu tôi, tôi đã òa khóc nức nở trên giường như một đứa bé.

(And as her image wandered through my head, I wept just like a baby as I lay awake in bed)

Anh biết rằng đó là như thế nào khi mất một người mình yêu. Đúng vậy đấy, đó là những gì mà anh phải chịu đựng. Cô ấy đã không có được cơ hội nào. Sự chia lìa đã cướp đi tiếng nói của cô ấy. Anh đã từng có tất cả trên đời, một đứa con và một người vợ.' Đến đoạn này như là lời giải đáp cho đoạn mở đầu của bài nhạc. Phải chăng vì cái chết đã chia lìa họ, vì nhớ tiếng nói của cô ấy nên John Petrucci và cả nhóm mới tạo nên đoạn intro đầy lãng mạn vậy? Đoạn cuối đặt dấu chấm hết cho tất cả. Mọi chuyện đã kết thúc và đã đến lúc nói lời chia tay. Anh sắp sửa đi đây, anh đi tìm lại chính mình. Cánh cửa của cuộc đời kia vẫn mở rộng chào đón anh. Và anh quay lại, nhìn vào đôi mắt em... Đến đây có lẽ mình cũng không dám nói gì nhiều. Vì thật ra còn nhiều để nói lắm. Nhưng những gì mình muốn bây giờ là để bạn thưởng thức bài ca này bằng chính tâm hồn mình. Nếu bạn đã từng yêu mến Surrounded, Hollow Years, Goodnight Kiss thì Through Her Eyes là một bản ballad không thể bỏ qua. Chúc bạn có những giây phút bên chính mình thật hạnh phúc. Và hãy nhớ sống hết lòng với những gì bạn đang có. Nỗi đau có thể đến với bạn bất cứ lúc nào. Nếu bạn đang yêu, thì hãy đừng quên nhìn vào đôi mắt người ấy, lắng nghe người ấy. Đừng để tất cả chỉ là kỷ niệm. ...và tôi nhìn vào đôi mắt cô ấy...