Rock Việt là dòng nhạc rock phát triển tại Việt Nam. Như các nhạc rock khác, đây là một thể loại âm nhạc thường được trình diễn bởi các nhạc cụ chính như guitar, guitar bass và trống, ngoài ra còn có các nhạc cụ bộ phím và bộ hơi (như saxophone, trumpet, trombone...). Rock Việt có thể chia làm các nhánh phát triển ở các thành phố chính. Rock Sài Gòn Nhạc rock du nhập vào Việt Nam theo chân những người lính viễn chinh tham gia Chiến tranh Việt Nam. Thời bấy giờ ở Sài Gòn, tầng lớp học sinh sinh viên vẫn tiếp tục nghe nhạc Pháp như là biểu hiện của sự đề kháng đối với sự thâm nhập văn hóa Mỹ đang ngày càng phổ biến. Nhưng dần dần những người chơi nhạc nhận ra nét độc đáo của Rock 'n' Roll của Anh và Mỹ. Nhanh chóng thể loại này đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần lớp trẻ thời bấy giờ. Những năm 1967-1968, hàng loạt ban nhạc lấy tên tiếng Anh ra đời như The Enterprise (Trung Nghĩa, Lý Được, Mạnh Tuấn, Casim, Thanh Tuyền), CBC (Tùng Linh, Tùng Vân, Đức Hiền, Ngọc Hiền, Bích Loan, Bích Liên), The Soul (Huỳnh Háo, Trần Vĩnh), The Music Makers (Huỳnh Anh), The Blue Jets (Khánh Hà, Anh Tú, Philip), The Magic Stones (Trung Hành, Đức Vượng, Cao Giảng, Tứ Đệ, Phùng Thuận), The Dreamers (Duy Quang, Duy Cường, Duy Hùng, Duy Minh), nhóm Les Vampires đổi tên thành The Rocking Stars. Thời kỳ này họ thường xuyên biểu diễn ở các câu lạc bộ dành cho lính Mỹ, chơi lại những ca khúc nổi tiếng đương thời của các ban nhạc đang làm mưa làm gió trên thế giới như Cream, Santana, Grand Funk Railroad, Black Sabbath, Stepphenwolf, Deep Purple,... Đầu thập niên 1970, những nhóm cựu trào như Les Pénitents tan rã, một ít ban mới thành lập mang hơi hướng nhạc soul và nhạc blues nhiều hơn: như The Hammers, The Apples Three, Crazy Dog... Đa số các ca sĩ hát cho các nhóm trên chịu ảnh hưởng của The Temptations, James Brown, The Supremes; những tên tuổi tương đối lớn như là Tuyết Hương, Vy Vân, Cathy Huệ, Tuyết Loan, Ngọc Bích, Minh Xuân... Ngoài những loại hình rập khuôn nhạc psychedelic hoặc nhạc soul như trên còn có vài điển hình nhạc folk cũng đáng nêu tên như đôi song ca Lê Uyên – Phương, Tuyền – Huy. Thời kỳ này phải kể đến ban nhạc Phượng Hoàng - ban nhạc trẻ hát nhạc Việt hiếm hoi thời bấy giờ. Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu. Phượng Hoàng thành lập năm 1963 với 2 thành viên chủ chốt là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc rock bị chính quyền mới coi như văn hóa đồi trụy tiểu tư sản nên không thể có bước phát triển gì mới. Tuy nhiên sau thời kỳ đổi mới về nhận thức văn hóa từ năm 1986, đánh dấu sự ra đời của các ca sỹ nhạc trẻ thành danh như Bảo Yến, Nhã Phương, Cẩm Vân, Khắc Triệu... chủ yếu chơi lại một số bản nhạc nổi tiếng như một thước đo cho trình độ kỹ thuật. Từ sau năm 1985, thế hệ được coi là thế hệ rock thứ 3 của Sài Gòn ra đời. Đen Trắng với cặp bài trùng Phương Thảo - Ngọc Lễ đã xây dựng được cho mình chất nhạc folk – country được công chúng chấp nhận đến ngày nay. Atomega với album Đất mẹ được coi như là album nhạc rock đầu tiên của Rock Việt. Da Vàng với album SOS và các ban nhạc khác như SaiGon Metal, Rock Alpha, Buổi Sáng, Ba Con Mèo, Ngôi Nhà Xanh, Hy Vọng, Hải Âu... Mỗi ban nhạc có những hướng đi khác nhau, nhóm thì cover, nhóm thì thành ban nhạc đệm, hoặc có nhóm chỉ đến với fan bằng những bản nhạc pop-rock phổ thông. Hai liên hoan nhạc trẻ tại nhà văn hóa Thành Niên năm 1992 và 1994 như là một cột mốc đánh dấu một thế hệ rock thứ 4 ra đời - thế hệ mà vẫn được gọi là "thế hệ underground". Lúc này điều kiện tiếp cận với âm nhạc thế giới đã dễ dàng hơn. Các ban nhạc trẻ đã đi theo những dòng nhánh đang thịnh hành như nhạc alternative, nhạc heavy metal, nhạc death metal, nhạc progressive... với những cái tên mới nổi như Metronome, Atmosphere, Hero In Danger, Wishband, Microwave, Unlimitted, Canceled,Negative,Recycle,5 Pm...

Cảm nhận của bạn

Đăng nhập để đăng cảm nhận

Cảm nhận của thành viên | Xem hết

Xem hết các bình luận

Pop
3522 2,297,415